Trong chương trình đối thoại trực tuyến trên VTV tối 23/4, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, thông tin bộ đang xây dựng đề thi tham khảo, phù hợp mục đích của kỳ thi mới.
- Trẻ hóa da bằng laser: Bí quyết trẻ trung bất ngờ
- Thói quen mua thuốc tuỳ tiện trên mạng xã hội – cơ hội cho thuốc giả tồn tại
- Học Dược là được nhiều thứ !
“Trong thời gian gần đây nhất, các em sẽ có bộ đề tham khảo. Trên cơ sở đó, giáo viên, học sinh có căn cứ dạy học, ôn tập. Tôi nghĩ như thế các em có thể yên tâm”, ông Trinh nói.
Ông nói thêm năm nay, học kỳ 2 của học sinh lớp 12 diễn ra trong hoàn cảnh dịch Covid-19 tác động nhiều đến công tác dạy học. Do đó, bộ tinh giản chương trình. Việc xây dựng đề thi phải theo nguyên tắc học gì thi nấy.
Nội dung thi nằm ở THPT, chủ yếu ở lớp 12. Độ khó cũng được điều chỉnh phù hợp mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp.
Kỳ thi tới đây vẫn có 3 bài thi bắt buộc, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Căn bản, 3 môn này giống hoàn toàn các kỳ thi trước đây.
Bài thi tự chọn gồm Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Độ khó được cấu trúc lại theo hướng nhẹ hơn so với đề thi năm ngoái.
“Học sinh THPT cần thi 4 bài. Việc dạy học, ôn tập lâu nay, thiên hướng Khoa học Tự nhiên vẫn ôn tập, học bình thường, ôn tập kỹ thì điểm vẫn cao”, Cục trưởng Mai Văn Trinh khẳng định.
Ngoài ra, tất cả bài thi đều quy về một đầu điểm ở thang điểm 10, kể cả bài thi Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.
Ông Trinh giải thích kỳ thi vốn được tổ chức để đánh giá chất lượng theo chuẩn đầu ra hướng tới giáo dục toàn diện. Vì thế, bộ không chấp nhận học sinh bỏ hẳn môn nào, chỉ tập trung học một số môn.
“Với yêu cầu của nền giáo dục phổ thông, trước hết, các em phải học toàn diện để đảm bảo nền tảng cơ bản, từ đó, tập trung môn năng khiếu, sở trường để có định hướng cho việc lựa chọn nghề nghiệp và học đại học tới đây”, ông Trinh nhắn nhủ.
Ông cho biết thêm bộ cũng sẽ tính toán điểm liệt để đảm bảo thí sinh đạt yêu câu tối thiểu của phân môn.