Thực tập lâm sàng tại Bệnh viện đối với sinh viên ngành Điều dưỡng là vô cùng quan trọng. Đây là cơ hội để các bạn có thể tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá từ những Điều dưỡng viên tại đây. Tuy nhiên, những ngày đầu mới tới bệnh viện các bạn sẽ có rất nhiều bỡ ngỡ, hãy chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc để có thể tự tin hơn nhé.
Cần chuẩn bị những gì khi đi thực tập tại Bệnh viện?
❖ Kiến thức:
“Văn ôn, võ luyện”, việc ôn tập kiến thức để “khởi động” cho một năm học mới là rất quan trọng. Sinh viên nên đọc chỉ tiêu thực tập trước khi đi khoa phòng và cố gắng hoàn thành mục tiêu cho mỗi đợt thực tập. Đối với môn Điều dưỡng cơ bản, sử dụng bảng kiểm, xem lại lý thuyết và quy trình điều dưỡng.
❖ Mục tiêu:
Phải đặt ra mục tiêu cho mỗi đợt thực tập, mỗi tháng, mỗi tuần, mỗi ngày. Mục tiêu cần phải cụ thể, rõ ràng, khả thi, đo lường được, có thời hạn. Ví dụ, ngày hôm nay phải thực hiện được 3 ca tiêm tĩnh mạch, 1 ca tiêm bắp, kiến tập được 1 ca đặt sonde dạ dày. Mỗi tuần phải lập được 2 bản kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ở khoa đó…
❖ Nội quy:
Tuân thủ nội quy bệnh viện, khoa phòng. Hạn chế sử dụng điện thoại khi đi thực tập. Đi học và trực đúng thời gian quy định. Tuyệt đối không được bỏ trực.
❖ Trang Phục:
Mặc áo quần blouse, đội mũ, mang khẩu trang, đeo thẻ sinh viên theo quy định. Đầu tóc gọn gàng, không để móng tay dài, không mặc quần áo blouse ra ngoài khu vực bệnh viện.
❖ Sổ lâm sàng:
Mỗi sinh viên nên có một quyển sổ bỏ túi khi đi lâm sàng để ghi chép thông tin, những điều học được và ghi chú cần thiết. Nó sẽ như “người bạn đồng hành” cùng sinh viên trong thời gian đi thực tập.
❖ Giao ban lâm sàng:
Đây là cơ hội để sinh viên học được những bệnh mới, ôn lại được những kiến thức cũ, học hỏi được cách làm bệnh án, kế hoạch chăm sóc, học hỏi được kinh nghiệm của các bác sĩ, điều dưỡng và bạn bè.
❖ Kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân và nhân viên y tế:
Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất khi đi lâm sàng. Ăn mặc chỉnh tề, thái độ lễ phép, ân cần, niềm nở sẽ giúp các bạn có được niềm tin của các anh chị nhân viên và bệnh nhân. Khi hỏi thông tin để lập kế hoạch chăm sóc, các em nên chuẩn bị trước những câu hỏi cần hỏi và nên đi theo nhóm để tránh hỏi bệnh nhân nhiều lần, ghi chép lại để tránh bỏ sót thông tin. Nên đọc trước tài liệu về bệnh đó và tham khảo thêm bệnh án. Tránh việc trêu đùa trong phòng bệnh, tránh bàn luận về tình trạng bệnh trước mặt người bệnh, tránh “hội chứng hành lang”.
❖ Thực hành chủ động và cụ thể:
Học đi đôi với hành. Sinh viên phải chủ động thực hiện các kỹ thuật điều dưỡng trên người bệnh dưới sự hướng dẫn của giảng viên và các anh chị điều dưỡng tại bệnh phòng. Mỗi bệnh nhân, mỗi mặt bệnh… đều có những đặc điểm riêng, do đó cần cụ thể. Ví dụ: bệnh nhân sốt cao thì nhiệt độ cụ thể.
Cần chủ động hỏi những điều các em chưa rõ, tham khảo thêm bệnh án, hồ sơ điều dưỡng. Số lượng sinh viên thực tập tại bệnh viện đông, đến từ nhiều trường khác nhau, các em cần có sự chủ động và tranh thủ thời gian rảnh để thực hành tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh, trao đổi bài với nhóm.
❖ Tự bảo vệ mình:
Điều dưỡng là những người tiếp xúc hàng ngày với người bệnh và trực tiếp thực hiện các kỹ thuật trên người bệnh. Vì thế, các em phải cẩn thận, chỉ thực hiện các kỹ thuật các quy trình các em nắm rõ dưới sự hướng dẫn của điều dưỡng tại bệnh phòng. Đeo găng tay khi tiêm truyền, mang khẩu trang đặc biệt ở những khoa như Hô hấp, Cấp cứu… Nếu tay có vết thương, vết xây xước, nên băng bó lại, dán urgo. Khi xảy ra các sự cố như bị kim tiêm đâm vào tay, các em nặn máu, rửa tay dưới vòi nước, sát khuẩn bằng cồn, báo ngay cho điều dưỡng tại bệnh phòng và giảng viên hướng dẫn.
Những điều cần biết khi đi thực tập tại Bệnh viện
❖ Tổng quát về Bệnh viện
– Phân bố phòng ở Bệnh viện như thế nào?
– X quang, CT, Siêu âm, MRI ở đâu?
– Khu khám bệnh, khu đóng tiền viện phí ở đâu?
– Vị trí của cantin, toilet ở đâu ?
– Từ tầng trệt lên có bao nhiêu con đường ? (Bao nhiêu cầu thang, thang máy, thang thoát hiểm?)
– Thang máy nào dùng chung, thang máy nào dùng riêng cho cán bộ, bệnh nhân?
– Một thang máy có thể chứa bao nhiêu giường bệnh? Bao nhiêu xe lăn?
– Số điện thoại gọi thang máy chuyển bệnh.
❖ Khoa thực tập tại Bệnh viện
– Khoa tên là gì ? Tên tiếng anh là gì ?
– Trưởng khoa
– Một khoa có bao nhiêu bác sĩ, bao nhiêu điều dưỡng, hộ lý
– Khoa có bao nhiêu phòng, bao nhiêu bệnh nhân
– Vị trí phòng hành chính – khu hành chính – các phòng phụ
– Các loại thuốc sử dụng ở khoa và cách sử dụng chúng như thế nào ?
– Bệnh nào là bệnh truyền nhiễm cần đề phòng ?
❖ Kỹ năng cần thiết
– Luôn nở một nụ cười thân thiện
– Tạo lòng tin và thiện cảm của bệnh nhân
– Giao tiếp thường xuyên với bệnh nhân bằng các câu hỏi như :
+ Lý do vào viện ? Nhập viện khi nào ?
+ Bác sĩ đã khám chưa ? Tư vấn gì ?
+ Ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân có gặp vấn đề gì không ?
+ Có những triệu chứng bất thường gì không ?
– Hỗ trợ các Điều dưỡng viên tại Bệnh viện
+ Pha thuốc, thay dịch truyền, lắp dịch truyền
+ Tiêm bắp, tiêm kim luồn, tiêm mạch, lấy máu xét nghiệm
+ Đo ECG
+ Gửi xét nghiệm hóa sinh – công thức máu cho đúng chỗ
+ Đẩy bệnh nhân đi chụp X quang, CT, siêu âm, MRI
+ Thay drap giường
+ Thay rửa vết thương
+ Sao thuốc
+ Cho bệnh nhân thở khí Oxy
+ Hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc, ăn uống hợp lý
+ Hướng dẫn bệnh nhân đóng tiền viện phí, đóng tạm ứng
+ Tư vấn bệnh nhân có điều gì khác biệt của BHYT và không BHYT, hướng dẫn đi đúng tuyến để hưởng BHYT mức cao nhất.
❖ Cần đem theo những gì?
– Áo, nón blouse + quần trắng
– Ống nghe
– Máy đo huyết áp
– Nhiệt kế
Tất cả những thông tin cung cấp trên phần nào giúp cho các bạn sinh viên biết thêm được những kinh nghiệm trong khi đi thực tập lâm sàng để đạt được kết quả cao. Hy vọng các bạn không những có thể học được những điều hữu ích, chuẩn bị hành trang cho nghề nghiệp trong tương lai, mà còn để lại được ấn tượng tốt cho Thầy cô, nhân viên Bệnh viện, bệnh nhân ở kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là ý thức học tập tốt ngay từ khi bắt đầu.