Các bạn SV của Khoa Dược HMC cơ sở đào tạo Mỹ Đình khi thực hành nhận biết các vị thuốc dược liệu có hỏi về tác dụng chữa ung thư của Hoa đu đủ đực. Và đây là trả lời của ThS Lê Quốc Thịnh- Giảng viên Khoa Dược về vấn đề này :
Hoa đu đủ đực thường có màu trắng hoặc xanh, mọc thành từng cụm lớn và phân ra nhiều nhánh nhỏ. Hoa đu đủ giống đực khá hiếm. Sự khác biệt lớn nhất giữa hoa đu đủ đực và hoa đu đủ thường là ở các thành phần dưỡng chất có trong từng loại hoa. Hoa của cây đu đủ đực rất giàu thành phần beta – carotene, isothiocyanates, axit axetic, phenol, các chất chống oxy hóa và nhiều alcaloid, flavonoid…
Trong tất cả các bộ phận của cây đu đủ thì phần hoa chứa nhiều dược tính nhất (đu đủ đực không ra trái). Hoa thường được nhiều người dân ngâm cùng với mật ong để chữa ho cho trẻ nhỏ. Các nhà khoa học nghiên cứu loài hoa này có tác dụng ức chế tế bào ung bướu. Đặc biệt là bướu tuyến vú, u xơ tuyến tiền liệt và các loại ung bướu khác.
Thành phần dinh dưỡng của hoa đu đủ đực bao gồm: axit gallic, beta carotene, canxi, đạm, carbohydrate, phenol, phosphorus, vitamin A, vitamin B1, vitamin C, vitamin E và tannin.Nó có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường: đây là lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất của hoa đu đủ đực. Uống nước sắc hoa đu đủ đực giúp làm tăng lượng insulin, nhờ đó ổn định đường huyết của bệnh nhân tiểu đường.Hoa đu đủ đực có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa cholesterol. Trong hoa đu đủ đực có chứa vitamin A, vitamin C, vitamin E và folate (vitamin B9) có đặc tính chống oxy hóa, ngăn ngừa cholesterol và quá trình oxy hóa. Ngoài ra, các hoạt chất chống oxy hóa trong hoa đu đủ như beta carotene, phenol, axit gallic góp phần hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh. Beta carotene trong hoa còn có công dụng bổ máu, thông mạch, giúp điều hòa tim mạch và góp phần giữ sức khỏe trái tim. Đây là những tác dụng rất tốt của hoa đu đủ đực.
Hoa đu đủ đực kết hợp cùng lá và thân cây xạ đen, mỗi vị 40g. Sắc chung lấy nước uống hằng ngày sẽ giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh ung thư. Tuy nhiên, đối với các dược liệu như hoa đu đủ đực chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh nên khi có bệnh người dân cần đi khám và tuân thủ điều trị và có thể dùng thêm dược liệu như hoa đu đủ để hỗ trợ theo hướng dẫn của chuyên gia.
Hoa đu đủ đực đã được làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian. Lá cây đu đủ được sử dụng để sát khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chữa sốt rét, trừ giun sán. Nước hãm từ rễ đã được sử dụng theo truyền thống trong điều trị các bệnh hoa liễu, bệnh trĩ và bệnh mụn cóc. Rễ đu đủ sắc uống làm thuốc cầm máu trong bệnh băng huyết, bệnh sỏi thận.Hạt đu đủ cũng cho thấy có khả năng kháng khuẩn mạnh. Hoa đu đủ đực tươi hoặc phơi khô hấp với đường hoặc đường phèn dùng chữa bệnh ho, khàn tiếng.
Tuy nhiên, tác dụng chống ung thư của dịch chiết lá đu đủ mới được ghi nhận trong ống nghiệm và trên chuột. Một số loại tế bào ung thư nhạy cảm với dịch chiết lá đu đủ trong ống nghiệm là tế bào ung thư tiền liệt tuyến, gan, cổ tử cung, phổi, tụy, vú. Và cho tới nay chưa đủ bằng chứng khoa học để khẳng định tác dụng chống ung thư của lá đu đủ trên cơ thể người cũng như liều lượng, độc tính trên người.Bệnh ung thư biết sớm khả năng trị khỏi cao bằng các biện pháp khoa học như xạ trị, dùng thuốc, phẫu thuật. Người dân không nên nghe theo các phương pháp dân gian trị bệnh từ dược liệu để đánh mất thời điểm vàng điều trị bệnh. Các bài thuốc kinh nghiệm từ Đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ, không phải là cứu cánh cho căn bệnh nguy hiểm như các loại ung thư.
ThS Lê Quốc Thịnh – Giảng viên Khoa Dược