Trong môn thực hành bán thuốc, các bạn Sinh viên Khoa Dược được giới thiệu về một số thuốc thông thường sử dụng cho các bệnh ngoài da. Trong số đó có bệnh mụn cóc, một bệnh do viius gây ra và có thể lây lan qua quan hệ tình dục. Vậy khi mắc bệnh mụn cóc thì nên làm thế nào để chữa trị ?
Mụn cóc (có nơi gọi là mụn cơm) là những nốt sùi nhỏ lành tính trên da do virus papillomavirus người (HPV) gây ra. Virus khiến cho các tế bào ở lớp ngoài cùng của da tăng sinh nhanh. HPV có hàng trăm tuýp khác nhau, một số tuýp rất dễ lây lan qua dịch tiết âm đạo khi quan hệ tình dục. Các tuýp HPV khác nhau có thể gây mụn cóc ở những vị trí khác nhau trên cơ thể. Mụn cóc lòng bàn chân xảy ra ở lòng bàn chân. Có biểu hiện là một nốt sần nhỏ màu hồng hoặc nâu nhạt với những chấm đen li ti. Những chấm này là các mao mạch bị huyết khối bít tắc.
Mụn cóc sinh dục là bệnh hay gặp nhất trong số các bệnh lây qua đường tình dục. Mụn có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục, vùng mu hoặc trong ống hậu môn. Ở phụ nữ, mụn cóc sinh dục có thể mọc trong âm đạo, gây biến đổi tế bào cổ tử cung và thậm chí gây ung thư tử cung. Hay gặp trên da là mụn cóc phẳng, thường nhỏ hơn và mềm hơn các loại mụn cơm khác, thường mọc ở mặt hoặc chân và hay gặp ở trẻ em hơn ở người lớn. Mụn cóc xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với papillomavirus người (HPV). Bệnh lây từ người sang người do chạm vào khăn hoặc các vật dụng khác mà người nhiễm virus đã dùng.Tuy nhiên, không phải ai tiếp xúc với HPV đều sẽ bị mụn cơm, vì mỗi người có đáp ứng miễn dịch khác nhau. Một số loại mụn cóc sinh dục khá dễ lây, song khả năng bị lây mụn cóc thông thường từ người khác là rất ít.
Điều trị mụn cóc chủ yếu là dùng thuốc để tiêu diệt virus HPV vì mục đích thẩm mỹ hoặc để ngăn ngừa bệnh lây lan. Thuốc điều trị thông thường là axit salicylic, một chất dùng ngoài da để bạt sừng, bong vẩy và hạn chế virus lây lan. Trên thị trường có loại thuốc bôi Podophyllin 25 Trị Mụn Cóc có hiệu quả rất tốt.
Một số biện pháp khác gồm như áp lạnh hay còn gọi là liệu pháp phun nitơ lỏng. Hiện nay, người ta hay dùng biện pháp vi phẫu để giải quyết dứt điểm những mụn cóc trên da gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của bệnh nhân. Mụn cóc được cắt hoặc đốt bằng dao điện. Vì phương pháp này có thể để lại sẹo nên thường chỉ dành cho nhưng trường hợp không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác. Phương pháp đốt mụn cóc bằng tia laser hiện nay khá phổ biến và nhanh chóng vì dễ áp dụng, người bệnh chỉ cần xử lý tại phòng khám da liễu mà không cần phải nằm viện.
Phòng ngừa lây nhiễm mụn cóc
- Không gãi, dùng dao lam rạch, cạo hoặc kim châm khu vực có mụn.
- Không dùng chung dụng cụ cắt móng tay, nhíp,… sử dụng đồ cá nhân riêng để tránh lây nhiễm.
- Giữ khu vực có mụn (như bàn tay, chân, …) luôn khô ráo vì mụn cóc khó kiểm soát trong môi trường ẩm ướt.
- Rửa tay kỹ sau khi chạm vào mụn tránh lây lan sang vị trí khác.
- Tuân thủ lời dặn dò của bác sĩ sau khi điều trị mụn.
- Sau điều trị, tự theo dõi nốt mụn hằng ngày trong 2 – 4 tuần để phát hiện kịp thời dấu hiệu tái phát. Nếu thấy mụn tái phát trở lại, cần điều trị lại càng nhanh càng tốt, ngăn chặn trước khi virus HPV lây lan ra những vùng da lân cận.
- Người trẻ nên tiêm phòng vắc-xin HPV để giúp ngăn ngừa mụn cóc và hạn chế nguy cơ mắc một số loại ung thư khác cũng do virus này gây ra.
ThS Lê Quốc Thịnh – Giảng viên Khoa Dược HMC Mỹ Đình