Quy trình đặt Sonde dạ dày
1. Đặt sonde dạ dày là gì?
Để biết quy trình đặt sonde dạ dày như thế nào thì đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu đặt sonde dạ dày là gì? Theo đó, đây là một thủ thuật được chỉ định thực hiện để hỗ trợ cung cấp thức ăn, chất dinh dưỡng vào dạ dày thông qua việc đặt một ống thông từ miệng đến dạ dày, thường được sử dụng trong các trường hợp mắc các bệnh về tiêu hóa hoặc hôn mê.
Cụ thể, sonde – một ống mỏng sẽ được đưa vào mũi hoặc miệng và thông thẳng xuống dạ dày của người bệnh. Trong đó, đặt sonde qua đường mũi phổ biến hơn, còn đặt sonde qua đường miệng chỉ được áp dụng khi mũi bị tổn thương hoặc trong trường hợp đặt tạm trong thời gian ngắn.
Mục đích của đặt sonde dạ dày là để nuôi ăn, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể khi người bệnh không thể ăn hoặc hỗ trợ chẩn đoán bệnh (kiểm tra dịch vị axit cũng như tình trạng niêm mạc dạ dày và dạ dày).
- Người mắc bệnh lý nặng hoặc bị tai nạn, hôn mê có thể được thực hiện đặt sonde dạ dày
2. Quy trình đặt sonde dạ dày
Đặt sonde dạ dày có thể thực hiện tại cơ sở y tế hoặc tại nhà, nhưng nhìn chung, quy trình đặt sonde dạ dày là như nhau, bao gồm các bước:
Chuẩn bị
Đầu tiên, cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng, dụng cụ y tế để quá trình đặt sonde dạ dày được thuận lợi, an toàn, bao gồm: Ống thông dạ dày, dầu nhờn, túi dẫn lưu ống thông dạ dày, bơm tiêm, máy hút, ống nghiệm, ống nghe, băng gạc, găng tay,…
- Chuẩn bị các dụng cụ y tế trước khi thực hiện đặt ống thông dạ dày
Đặt sonde dạ dày
Quá trình đặt sonde dạ dày được thực hiện như sau:
- Đặt người bệnh ở tư thế phù hợp. Nếu người bệnh tỉnh táo thì tư thế chuẩn nhất là nửa nằm nửa ngồi. Còn người bệnh bị hôn mê thì nên cho nằm ở tư thế đầu thấp và mặt nghiêng về bên trái.
- Xác định độ dài của ống thông dạ dày, thường là khoảng cách từ răng đến rốn. Ngoài ra, cũng có một cách đo khác là từ cánh mũi đến dái tai và vòng ra sau mũi ức.
- Sử dụng dầu nhờn để bôi trơn phần đầu ống. Lưu ý là chỉ nên bôi khoảng 5cm ở phần đầu và không nên để dầu đọng trên ống vì dầu có thể khiến người bệnh khó chịu và bị sặc.
- Bắt đầu đưa ống vào trong mũi và nhẹ nhàng đẩy ống từ từ xuống thực quản rồi xuống dạ dày, đến vị trí đã đánh dấu trên ống thì dừng. Đây là thao tác rất quan trọng trong quy trình đặt sonde dạ dày, đòi hỏi kỹ thuật của người thực hiện cũng như sự phối hợp nhịp nhàng của người bệnh.
- Tiến hành bơm khoảng 30ml khí vào trong ống, nếu nghe có âm thanh sùng sục thì chứng tỏ ống đã chạm tới dạ dày. Hoặc cũng có thể dùng kim tiêm để hút dịch vị axit trong dạ dày ra và thử bằng giấy quỳ để xem giấy quỳ có đổi màu không.
- Cố định ống thông dạ dày bằng băng dính nhưng lưu ý là không nên dán quá chặt vào cánh mũi để người bệnh không bị khó chịu, hay nghiêm trọng hơn là khiến mũi bị tổn thương, sưng viêm, hoại tử.
- Lắp túi dẫn lưu ống thông dạ dày vào đầu ống.
- Ghi hồ sơ bệnh án với đầy đủ thông tin chi tiết như loại ống thông dạ dày, tình trạng của người bệnh trước, trong và sau khi đặt sonde dạ dày.
- Ghi hồ sơ bệnh án, kết thúc quy trình đặt sonde dạ dày cho người bệnh
3. Lưu ý khi chăm sóc người bệnh được đặt sonde dạ dày
Nếu thực hiện đúng quy trình đặt sonde dạ dày như nói trên thì người bệnh chỉ hơi bị khó chịu trong thời gian đầu, sau đó sẽ nhanh chóng “thích ứng”. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý đến những vấn đề sau khi chăm sóc người bệnh, nhất là trong các trường hợp đặt ống thông dạ dày tại nhà.
- Kiểm tra và theo dõi sát sao mạch đập, nhịp thở, huyết áp của người bệnh, đảm bảo mọi thứ trong tầm kiểm soát.
- Nếu người bệnh buồn nôn, mệt mỏi kéo dài và chảy máu nhiều tại vị trí đặt ống, hoặc khi người bệnh ho, sặc, tím tái, ngất do hít phải dịch hay thức ăn thì cần nhanh chóng liên hệ với nhân viên y tế.
- Bơm thức ăn nhẹ nhàng nhưng liên tục vào trong ống. Không để bọt khí lọt vào trong ống để người bệnh không bị sặc.
- Đảm bảo thức ăn phù hợp với tình trạng của người bệnh, thường thì những món loãng, dễ tiêu hóa như canh, cháo, súp, sữa, sinh tố,… là ưu tiên hàng đầu.
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, có thể là 5 – 6 bữa/ ngày và mỗi bữa ăn từ 300 – 400ml thức ăn đối với người lớn. Còn trẻ nhỏ thì chỉ cần khoảng 20ml thức ăn cho một bữa.
- Lưu ý đến lượng thức ăn còn thừa sau mỗi lần bơm. Nếu lượng thừa hơn 100ml thì cần thông báo ngay cho nhân viên y tế.
- Vệ sinh ống ngay sau mỗi lần cho người bệnh ăn để tránh tình trạng thức ăn, dịch,… tồn đọng trong ống gây nhiễm khuẩn và lên men.
- Thay ống định kỳ hoặc khi thấy ống bị bẩn, nghẹt. Nếu đặt sonde dạ dày qua đường mũi thì mỗi lần thay ống cũng đổi luôn bên lỗ mũi đặt ống.
- Chú ý vệ sinh khoang miệng hàng ngày cho người bệnh bằng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý.
- Chăm sóc và theo dõi người bệnh chặt chẽ để phòng tránh các sự cố, biến chứng