Khi học môn Thực hành Bán thuốc, các em Sinh viên Khoa Dược thấy từ Rx trên các hộp thuốc thì đó là từ chỉ những thuốc đó chỉ được bán khi được bác sỹ kê đơn, nếu không có đơn thuốc thì sẽ không được mua. Còn từ OTC thì là viết tắt của Over The Counter, là những thuốc có thể mua tại nhà thuốc dưới sự tư vấn của người bán thuốc mà không đòi phải có đơn.
Trong mỗi Nhà thuốc/Quầy thuốc thường có rất nhiều loại thuốc, Sinh viên học Dược cần biết cách phân loại thuốc kê đơn, không kê đơn, và thực phẩm chức năng, mỹ phẩm để các dược sĩ tương lai có thể phân loại và sắp xếp thuốc đúng theo các nhóm một các thuận tiện, dễ dàng.
Thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn:
Dựa theo Thông tư 08 của Bộ Y tế về quy định Danh mục thuốc không kê đơn gồm 256 hoạt chất và dựa vào ký hiệu Rx trên hộp (chỉ đúng tương đối). Những thuốc nằm ngoài Thông tư 08 là thuốc phải bán theo đơn.
1. Thuốc không kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán và sử dụng không cần đơn thuốc.
2. Thuốc kê đơn là thuốc nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khoẻ; khi cấp phát, bán lẻ, sử dụng cho bệnh nhân ngoại trú phải theo đơn thuốc. Sau đây là một số điều quan trọng liên quan đến Danh mục thuốc OTC:
Nguyên tắc xây dựng “Danh mục thuốc không kê đơn”
1. Danh mục thuốc không kê đơn được xây dựng trên cơ sở các tiêu chí cụ thể về tính chất dược lý và tính an toàn của thuốc.
2. Danh mục thuốc không kê đơn được xây dựng phù hợp với thực tế sử dụng, cung ứng thuốc của Việt Nam và được tham khảo cách phân loại thuốc không kê đơn (Over The Counter – OTC) của một số nước như Australian, Mỹ, một số nước Châu Âu, Philippines, Singapore, Trung Quốc.
3. Danh mục thuốc không kê đơn được sửa đổi, bổ sung hàng năm. Trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, một số loại thuốc có thể bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc không kê đơn nếu có những tác dụng có hại nghiêm trọng được phát hiện.
Tiêu chí lựa chọn thuốc không kê đơn
Thuốc đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau được lựa chọn vào Danh mục thuốc không kê đơn:
1. Thuốc có độc tính thấp, không tạo ra các sản phẩm phân huỷ có độc tính, không có những tác dụng có hại nghiêm trọng (là những tác dụng có hại gây hậu quả tử vong, nguy hiểm đến tính mạng, cần phải nhập viện để điều trị hay kéo dài thời gian điều trị, gây tàn tật vĩnh viễn hay nặng nề, sinh con dị dạng, dị tật bẩm sinh và các hậu quả tương đương,…) đã được biết và/hoặc khuyến cáo có tác dụng này.
2. Thuốc có phạm vi liều dùng rộng, an toàn cho các nhóm tuổi, ít có ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị các bệnh cần theo dõi lâm sàng.
3. Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh thông thường và bệnh nhân có thể tự điều trị, không nhất thiết phải có sự thăm khám, tư vấn và theo dõi của thầy thuốc.
4. Đường dùng, dạng dùng đơn giản (chủ yếu là đường uống, dùng ngoài da) với hàm lượng, nồng độ thích hợp cho việc tự điều trị.
5. Thuốc ít tương tác với các thuốc khác và thức ăn, đồ uống thông dụng.
6. Thuốc không gây tình trạng lệ thuộc.
Áp dụng “Danh mục thuốc không kê đơn”
1. Danh mục thuốc không kê đơn là căn cứ để phân loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn. Thuốc không kê đơn được phép cấp phát, bán và sử dụng không cần đơn thuốc.
2. Danh mục thuốc không kê đơn là cơ sở pháp lý để xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn đối với thuốc không kê đơn trong đăng ký thuốc, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc, thông tin quảng cáo thuốc và phạm vi hoạt động của các cơ sở bán lẻ thuốc.
3. Đối với các thuốc có chỉ định tránh thai được phân loại là thuốc không kê đơn trong Danh mục này, cán bộ y tế phải có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi cấp, phát hoặc bán cho người tiêu dùng.
4. Các phạm vi áp dụng khác của Danh mục thuốc không kê đơn sẽ được hướng dẫn cụ thể trong các văn bản liên quan.
Vì vậy, Sinh viên học Dược cần nắm vững các thông tin này để vận dụng vào thực tế linh hoạt và phù hợp với môi trương làm việc của mình.
ThS Lê Quốc Thịnh – Giảng viên Khoa Dược HMC Mỹ Đình