Trong chương trình đào tạo Dược sĩ trình độ Cao đẳng tại cơ sở đào tạo số 40, ngõ 20 Mỹ Đình, Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội, các Sinh viên Khoa Dược được thực hành bào chế một số dạng thuốc phổ biến đang sử dụng trong thực tế lâm sàng. Đây là bài tập thực hành rất bổ ích cho kiến thức lâm sàng của các Dược sĩ tương lai.
Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, thông thường cha mẹ có thể xử trí hạ sốt cho trẻ bằng các loại thuốc không kê đơn. Tuy nhiên với các trường hợp nôn trớ hay trẻ không hợp tác thì thuốc hạ sốt đường đặt trực tràng, thuốc đạn chính là một sự lựa chọn tốt nhất.
Khi nào dùng thuốc đạn, thuốc hạ sốt cho trẻ?
Thông thường, khi trẻ bị sốt, cha mẹ có thể xử trí hạ sốt cho trẻ bằng một số thuốc đường uống không cần kê đơn như paracetamol/acetaminophen (biệt dược: Efferalgan, Panadol, Hapacol,…) hay ibuprofen (biệt dược: Brufen,…). Tuy nhiên, với trường hợp trẻ bị nôn trớ, hoặc không hợp tác (trẻ quấy khóc, không muốn uống thuốc, không thích mùi vị thuốc), dạng thuốc đặt trực tràng (hậu môn) hay thuốc đạn sẽ là một lựa chọn mà nhiều cha mẹ sử dụng.
Thành phần của thuốc đạn hạ sốt
Tại Việt Nam, thuốc hạ sốt đường đặt trực tràng thường gặp nhất là Efferalgan suppo với hoạt chất là paracetamol. Thuốc có các hàm lượng 80 mg, 150 mg và 300 mg. Liều dùng của thuốc đạn cũng tương tự đường uống: 10 – 15 mg/kg/lần (tối đa không quá 500 mg/lần), có thể dùng liều tiếp theo sau mỗi 4 – 6 tiếng (tổng liều trong ngày không vượt quá 75 mg/kg/ngày).
Cần lưu ý, thuốc đạn hạ sốt có cùng thành phần paracetamol với một số thuốc hạ sốt đường uống khác (Efferalgan, Panadol, Hapacol,…), do đó để tránh nguy cơ quá liều thuốc, phải tuân thủ liều dùng và khoảng cách giữa mỗi lần đưa thuốc nêu trên cho đồng thời cả 2 đường dùng thuốc: đặt trực tràng và uống.
Công thức bào chế thuốc đặt Paracetamol
Công thức (khuôn 1g)
- Paracetamol ………………….. 0,125g
- Suppocire vừa đủ ……………. 1 viên
Thông tin cần biết
Tính chất, khả năng hoà tan trong tá dược, độ ổn định, tác dụng dược lý của paracetamol:
- Tính chất: là bột kết tinh trắng, không mùi, hơi tan trong nước, rất khó tan trong cloroform, ether, methylen clorid, dễ tan trong dung dịch kiềm, ethanol 96%. Dễ bị oxi hoá
- Tác dụng dược lí: hạ sốt, giảm đau trong 1 số trường hợp như đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau răng…
+ Tá dược có nhiệt độ nóng chảy cao thường kết hợp với dược chất tan trong dầu hoặc ở vùng khí hậu nóng và ngược lại.
+ Phản ứng hoá học: tá dược có chỉ số hydroxyl thấp ít có nguy cơ tương tác hoá học nhưng thường đàn hồi kém hơn dễ rạn nứt khi làm lạnh nhanh, có liên quan đến tính thân nước, khả năng giải phóng và hấp thu thuốc.
+Tính chất lưu biến: độ nhớt của tá dược khi chảy lỏng ảnh hưởng đến khả năng phân tán đều dược chất rắn, khả năng giải phóng và hấp thu thuốc ở trực tràng.
+Tá dược phối hợp khác: được đưa vào sẵn trong tá dược thương mại hoặc thêm vào khi thiết kế công thức thuốc.
- Cơ chế chảy lỏng: chảy lỏng ở thân nhiệt để giải phóng dược chất
Cấu trúc hoá lí: hỗn dịch
- Phương pháp phối hợp dược chất vào tá dược: phân tán
- Kỹ thuật bào chế: đun chảy đổ khuôn
Để hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra, khi sử dụng thuốc đạn, thuốc đặt hậu môn cho trẻ, phụ huynh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, cha mẹ nên đưa bé tới cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Bài thực hành chế tạo thuốc đặt Paracetamol của các sinh viên Khoa Dược giúp hiểu rõ tác dụng dược lý của thuốc, dạng bào chế của thuốc và đa dạng các đường đưa thuốc vào cơ thể trong thực tế lâm sàng. Sản phẩm do các em làm ra không những giúp cho hiểu rõ phần học lý thuyết mà còn là những kỷ niệm đầu tiên của hành trình trở thành Dược sĩ trong tương lai./.
ThS Lê Quốc Thịnh – Giảng viên Khoa Dược