Sốt ở người lớn: Đặc điểm, phân loại và khi nào nghiêm trọng?
Sốt là một triệu chứng thường gặp của một số bệnh như cảm cúm. Tình trạng này xảy ra khi thân nhiệt tăng tạm thời, là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang bận rộn chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh khác. Nhưng đôi khi sốt ở người lớn cũng có thể cảnh báo vấn đề bất thường.
1. Sốt là gì?
Sốt thường là hiện tượng nhiệt độ tăng lên trong thời gian ngắn, giúp cơ thể chiến đấu với bệnh. Sốt bắt đầu khi hệ thống miễn dịch tạo ra nhiều tế bào bạch cầu hơn để chống lại nhiễm trùng. Sự gia tăng các tế bào bạch cầu khiến não nóng lên. Quá trình này sẽ gây ra một cơn sốt. Đáp lại, cơ thể bạn sẽ cố gắng tự làm mát bằng cách tăng cường lưu lượng máu đến da và co cơ. Điều này khiến bạn bị rùng mình và có thể gây đau cơ.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, ngay cả một cơn sốt nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của bệnh đáng lưu tâm. Ở người lớn, sốt thường không nghiêm trọng hoặc không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng sốt cao hoặc dai dẳng có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe nguy hiểm. Nhiệt độ cơ thể bình thường dao động từ 97 – 99°F (36,1 – 37,2°C). Bạn có thể bị sốt nếu thân nhiệt tăng cao hơn mức này.
Sốt là biểu hiện của sự gia tăng các tế bào bạch cầu
2. Phân loại sốt ở người lớn
Người lớn bị sốt nếu nhiệt độ cơ thể tăng lên đến 100,4°F (38°C). Đây được gọi là sốt nhẹ. Sốt cao xảy ra khi thân nhiệt của bạn cao hơn hoặc bằng 103°F (39,4°C). Hầu hết các cơn sốt thường tự khỏi sau 1 – 3 ngày. Sốt dai dẳng có thể kéo dài hoặc tiếp tục tái phát trong tối đa 14 ngày.
Sốt kéo dài hơn bình thường có thể nghiêm trọng dù chỉ là sốt nhẹ. Bởi cơn sốt tái phát là tín hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe hoặc nhiễm trùng diễn tiến xấu. Các triệu chứng phổ biến ở người lớn bị sốt bao gồm:
- Đổ mồ hôi
- Ớn lạnh (rùng mình)
- Đau đầu
- Đau cơ
- Ăn mất ngon
- Mệt mỏi
- Yếu đuối.
- Sốt ở người lớn gây ra triệu chứng ớn lạnh
3. Khi nào thì sốt ở người lớn là nghiêm trọng?
Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị sốt cao – thân nhiệt từ 103°F (39,4°C) trở lên, bị sốt kéo dài hơn 3 ngày, các triệu chứng ngày càng trở nên tồi tệ hơn hoặc xuất hiện triệu chứng mới.
3.1. Triệu chứng nghiêm trọng
Sốt có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng nếu bạn có các triệu chứng kèm theo như:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Nhạy cảm với ánh sáng chói
- Cứng cổ hoặc đau cổ
- Phát ban da
- Khó thở
- Nôn mửa thường xuyên
- Mất nước
- Đau bụng
- Chuột rút cơ bắp
- Lú lẫn
- Co giật
Các dấu hiệu khác cho thấy sốt có thể nghiêm trọng là:
- Đau khi đi tiểu
- Đi tiểu không đủ
- Nước tiểu sẫm màu
- Nước tiểu có mùi hôi.
3.2. Triệu chứng cấp cứu
Không chỉ là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng, sốt cao đôi khi còn gây ra các phản ứng phụ đáng được lưu tâm. Cần đến phòng cấp cứu khẩn cấp nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Co giật hoặc động kinh
- Ngất xỉu hoặc mất ý thức
- Lú lẫn
- Ảo giác
- Đau đầu dữ dội
- Cứng hoặc đau cổ
- Khó thở
- Phát ban hoặc mề đay
- Sưng tấy ở bất kỳ phần nào trên cơ thể.
Người bệnh sẽ có triệu chứng khó thở khi sốt
4. Nguyên nhân gây sốt ở người lớn
Nếu có các triệu chứng sốt nghiêm trọng, hãy cho bác sĩ biết nếu gần đây bạn đã đi du lịch đến một quốc gia khác hoặc tham dự sự kiện đông người. Điều này có thể giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân. Các nguyên nhân gây sốt ở người lớn phổ biến là:
- Nhiễm virus (như cúm hoặc cảm lạnh)
- Nhiễm khuẩn
- Nhiễm trùng nấm
- Ngộ độc thực phẩm
- Kiệt sức vì nhiệt (sốc nhiệt, say nắng)
- Cháy nắng nghiêm trọng
- Viêm (do các tình trạng như viêm khớp dạng thấp)
- Khối u
- Có cục máu đông
Một số người lớn có nguy cơ cao bị sốt nghiêm trọng, chẳng hạn như mắc phải một vấn đề sức khỏe mãn tính hoặc đã được điều trị bệnh nặng. Người mắc những bệnh sau đây cần cho bác sĩ biết nếu phát cơn sốt:
- Hen suyễn
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh Crohn
- Bệnh tim
- Bệnh hồng cầu hình liềm
- Bệnh gan
- Bệnh thận
- Bệnh phổi mãn tính
- Bệnh xơ nang
- Bại não
- Đột quỵ
- Bệnh đa xơ cứng
- Loạn dưỡng cơ bắp
- HIV hoặc AIDS.
Sốt cao tăng nguy cơ đột quỵ ở người bệnh
Một số loại thuốc và phương pháp điều trị cũng có thể dẫn đến sốt ở người lớn, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc huyết áp
- Thuốc co giật
- Vắc-xin DTaP
- Vắc-xin phế cầu
- Steroid
- Hóa trị liệu
- Điều trị bức xạ
- Methotrexate
- Azathioprine
- Cyclophosphamide
- Thuốc chống thải ghép sau cấy ghép tạng.
Thuốc kháng sinh giúp điều trị các triệu chứng của sốt
5. Điều trị cho người lớn bị sốt
Bản thân cơn sốt ở người lớn thường không có hại. Hầu hết các trường hợp người lớn bị sốt sẽ tự khỏi trong vòng vài giờ đến vài ngày sau khi cơ thể đã loại bỏ được nhiễm trùng. Bạn có thể giúp bản thân cảm thấy dễ chịu hơn bằng các biện pháp điều trị tại nhà như sau:
- Giữ đủ nước bằng cách uống nhiều nước lọc, nước ép, súp hoặc nước canh
- Dùng thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa
- Nghỉ ngơi
- Sử dụng một miếng gạc mát hoặc khăn ẩm để lau người
- Ngâm bồn tắm nước ấm
- Mặc quần áo mỏng nhẹ, thoải mái
- Giảm nhiệt độ trong phòng.
Một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp làm dịu cơn sốt và các triệu chứng như đau đầu và đau cơ, bao gồm:
- Ibuprofen (Advil, Motrin)
- Naproxen (Aleve, Naprosyn).
Bạn có thể cần được bác sĩ điều trị vì những nguyên nhân tiềm ẩn và nghiêm trọng gây sốt. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây sốt ở người lớn. Bác sĩ thường kê đơn thuốc để điều trị các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, như:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc chống virus
- Thuốc chống nấm.
Sốt ở người lớn thường không có hại, mà chỉ là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang đối phó với nhiễm trùng hoặc các bệnh khác. Nhưng bạn cũng đừng chủ quan khi bị sốt, thay vào đó là nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước để giúp cơ thể phục hồi. Đi khám bác sĩ nếu bạn bị sốt kéo dài hơn 3 ngày hoặc gặp các triệu chứng nghiêm trọng khác. Nếu mắc bệnh mãn tính hoặc đã được điều trị bệnh nặng, hãy cho bác sĩ biết khi bạn bị sốt. Trong một số trường hợp, sốt cao hoặc kéo dài có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.