Thuốc giả là gì? Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa về thuốc giả như sau: “Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả”. Như vậy, thuốc giả theo WHO đã bao hàm cả thuốc kém chất lượng, là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng.
Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng nếu không may dùng phải thuốc giả thì không những thất bại trong điều trị mà còn tăng độc tính, tăng kháng thuốc và bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong.Thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng có hại ( thường gọi là ADR). Nhưng nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên đến 1/10. Trong đó điều nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc.
Thói quen mua thuốc tùy tiện + trình độ làm giả ngày càng tinh vi = thuốc giả phát triển!
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả thấp. Tuy nhiên, do thói quen mua bán không cần hoá đơn, thậm chí không cần đơn của bác sĩ khiến cho thị trường tân dược nước ta là điều kiện thuận lợi cho thuốc giả phát triển. Thuốc giả ngày càng được làm giả rất tinh vi, bằng mắt thường rất khó có thể phát hiện được. Các loại thuốc giả từ mẫu thuốc đến vỏ hộp và tem chống giả đều giống như thuốc thật đã được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, không phải dễ dàng để có thể phát hiện được thuốc giả.
Lợi nhuận từ thuốc giả, thuốc kém chất lượng rất lớn nên những kẻ sản xuất thuốc giả càng sử dụng những kỹ thuật tinh vi, khó phát hiện hơn. Thuốc giả chỉ được phát hiện khi ra thị trường và chỉ khi chính những nhà sản xuất đem so sánh thuốc thật của mình với thuốc giả mới phát hiện được. Hơn nữa, tình trạng buôn lậu qua biên giới phức tạp, hiểu biết của người dân về thuốc giả, sự nguy hiểm của thuốc giả còn hạn chế… kết hợp với thực tế một số vụ buôn bán, sản xuất thuốc giả chưa bị xử lý nghiêm đã khiến cho thuốc giả có nguy cơ ngày càng gia tăng.
Thuốc giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị cho người bệnh và đặc biệt gây ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng. Điều đáng quan tâm là khi kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu xuất hiện ngày càng nhiều.
Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) cảnh báo đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu và thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả.
Thuốc giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Sử dụng thuốc giả không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn cả sức khỏe con người. Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp bệnh nhân bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng kéo dài, sốt… không rõ nguyên nhân vì sao.Chỉ đến khi tiến hành siêu âm ổ bụng mới phát hiện trong dạ dày của bệnh nhân có rất nhiều các vỏ thuốc hình con nhộng do bệnh nhân này đã uống phải thuốc giả nên những vỏ thuốc không được hoà tan như thuốc thật và thứ bột trong trong các viên thuốc giả đã ứ đọng trong dạ dày và gây ngộ độc toàn thân.Các bác sĩ Trung tâm chống độc cho hay, bệnh nhân uống phải thuốc giả không những không khỏi bệnh mà còn “mua” thêm bệnh. Ngộ độc nhẹ có thể qua khỏi, còn ngộ độc nặng có thể dẫn tới suy thận, suy gan, nhiễm trùng máu và tử vong.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn thuốc giả không phải dễ. Thuốc giả không những sản xuất trong nước mà còn được đưa từ nước ngoài vào. Do đó, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và phải tăng chế tài xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả để tăng tính răn đe.
Các loại thuốc giả chỉ được phát hiện khi đã lưu hành trên thị trường và cũng rất khó truy tìm nguồn gốc. Hầu hết được phát hiện ra khi nhà sản xuất nghe phản hồi thông tin sử dụng thuốc không hiệu quả, đi kiểm tra thì mới biết đã có thuốc bị làm giả. Việc kiểm tra, giám sát tất cả các mẫu thuốc ngay từ khâu bào chế sản xuất, nhất là các nguyên liệu ban đầu như dược liệu, thuốc Đông dược, dạng bào chế nhiều thành phần, các dược chất và dạng bào chế kém ổn định về chất lượng sẽ góp phần hạn chế thuốc giả. Để thuốc giả, thuốc kém chất lượng không còn “đất sống”, người dân không nên mua các thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc bán dạo, trôi nổi trên thị trường.
ThS Lê Quốc Thịnh- Giảng viên Khoa Dược