Cá nhân, tổ chức muốn mở cơ sở kinh doanh thuốc cần phải cân nhắc, lựa chọn giữa hai loại hình là quầy thuốc và nhà thuốc. Các bạn Sinh viên Khoa Dược đang học tại HMC Mỹ Đình có hỏi về sự khác nhau giữa 2 loại hình kinh doanh bán lẻ thuốc là Nhà Thuốc và Quầy thuốc là như thế nào. Vậy các bạn có thể tham khảo các thông tin sau đây để chuẩn bị bước vào sự nghiệp kinh doanh của bản thân sau khi ra trường.
Quầy thuốc hay nhà thuốc thì đều là cơ sở kinh doanh về Dược, phải có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược và phải thành lập hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp. Cả hai hình thức kinh doanh đều được hưởng những chính sách ưu đãi khi thực hiện hoạt động kinh doanh trong ngành dược theo đúng quy định của pháp luật, sẽ được thông tin, quảng cáo thuốc theo đúng quy định. Đặc biệt, quầy thuốc hoặc nhà thuốc được bán dược liệu nhưng không được bán nguyên liệu làm thuốc. Nhà thuốc là đơn vị bán lẻ thuốc có quy mô lớn hơn so với quầy thuốc. Các bạn Dược sĩ có trình độ Cao Đẳng có thể mở quầy thuốc để bán thuốc mưu sinh và chú ý những điểm khác biệt sau đây giữa Nhà thuốc và Quầy thuốc:
- Đối với nhà thuốc:
– Người phụ trách chuyên môn: Dược sĩ trình độ Đại học phụ trách. Có từ 02 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở Dược phù hợp.
– Phạm vi hoạt động: Được bán lẻ thuốc thành phẩm; thuốc theo đơn.
– Địa bàn hoạt động: không bị giới hạn.
– Quyền hạn thay đổi thuốc trong đơn: được phép quyền thay thế thuốc cùng loại trong đơn nếu được sự đồng ý của người mua.
- Đối với quầy thuốc:
– Người phụ trách chuyên môn: tối thiểu là Dược sĩ trình độ trung học phụ trách chuyên. Đồng thời phải có ít nhất 18 tháng thực hành chuyên môn tại các cơ sở Dược.
Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của quầy thuốc phải có một trong các văn bằng chuyên môn sau:
– Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược
– Bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành dược;
– Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành dược;
– Phạm vi hoạt động: được bán lẻ thuốc thành phẩm.
– Địa bàn hoạt động: chỉ được phép mở tại địa bàn huyện, xã của các huyện ngoại thành, ngoại thị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Quyền hạn thay đổi thuốc trong đơn: không được thực hiện việc thay thế thuốc trong đơn.
Như vậy có thể nói, giữa Quầy thuốc và Nhà thuốc về cơ bản đều là các cơ sở bán lẻ thuốc thành phẩm và Nhà Thuốc bắt buộc phải có nguoi phu trách chuyên môn là Dược sĩ Đại học, còn Quầy thuốc thì có phạm vi hoạt động hẹp hơn và người phụ trách chuyên môn có thể là Dược sĩ có trình độ thấp hơn Đại học.
ThS Lê Quốc Thịnh – Giảng viên Khoa Dược HMC Mỹ Đình